Toàn cảnh khu hòn Đá Bạc
 
      Từ TP.Cà Mau du khách có thể đi ô tô hoặc xe gắn máy theo hướng Tắc Thủ đi  vườn quốc gia U Minh Hạ, đến ấp Đá Bạc B, xã Khánh Bình Tây thuộc huyện Trần Văn Thời, biển sẽ hiện ra trước mặt với cụm 3 hòn đảo cao khoảng 50m so với mặt nước biển. Khu Hòn Đá Bạc gồm các hòn nằm liền nhau là hòn Trọi, hòn Ông Ngộ và hòn Đá Bạc với diện tích khoảng 6,5ha.
 
Một góc hòn Đá Bạc
 
      Vượt qua cầu dẫn vào khu hòn Đá Bạc, du khách sẽ bắt gặp cảnh sinh hoạt thường ngày của ngư dân vùng biển. Những đứa trẻ đi câu cá, những ngư dân bơi thuyền ra biển câu mực, câu cá nâu, đục lấy những con hàu bám chặt vào các hốc đá dưới nước. Với nụ cười hào sảng, họ sẵn sàng chỉ du khách cách câu cá nâu, cá đối, hướng dẫn bạn đục lấy hàu…
 
Ngư dân đánh bắt hải sản ven biển khu hòn Đá Bạc
 
      Tạm biệt những ngư dân mến khách, du khách sẽ có dịp hòa mình với thiên thiên dưới những tán rừng xanh um để nghe sóng biển rì rào. Rừng và biển như hòa quyện với nhau làm lòng du khách thêm thanh thản.  Quanh hòn Đá Bạc, thiên nhiên kỳ thú đã ban tặng cho con người hàng ngàn viên đá granit đủ mọi kích cỡ nằm chồng nên nhau với nhiều hình thù kỳ lạ mà theo cách gọi của dân gian  bàn tay, bàn chân Tiên với các giếng Tiên, sân Tiên, cầu Tiên.
 
Thiên nhiên kỳ thú tại hòn Đá Bạc
 
Hoàng hôn trên biển nhìn từ hòn Đá Bạc
 
      Trên đỉnh hòn có một ngôi đền thờ cá Ông với bộ xương cá dài khoảng 12m. Theo tín ngưỡng của người dân ven biển, “Ông” luôn phù hộ cho ngư dân gặp nhiều may mắn trong những chuyến ra khơi. Hằng năm cứ vào ngày 23-5 âm lịch, ngư dân trong vùng cũng như các tàu đang đánh bắt cá ngoài biển khơi gần đó và khách du lịch các nơi lại đổ về hòn Đá Bạc dự lễ Nghinh Ông. Có dịp ra hòn Đá Bạc những đêm trăng sáng, du khách sẽ tận mắt chứng kiến những đàn cá đối đùa giỡn dưới trăng lấp lánh ánh bạc, sẽ thấy trăng treo trên biển, trăng xuyên qua rừng.
 
Cụm tượng đài Bảo vệ an ninh Tố quốc trên hòn Đá Bạc
 
      Không chỉ có thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú mà hòn Đá Bạc còn là nơi ghi dấu 2 chiến công lẫy lừng của quân và dân Cà Mau. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địch đã chọn hòn Đá Bạc làm nơi đóng quân của cả một trung đội pháo nhằm khống chế vùng căn cứ cách mạng Khánh Bình Tây, tuyến ven biển phía Tây Cà Mau. Tháng 12 năm 1971, quân và dân xã Khánh Bình Tây đã đánh bại một Trung đội pháo binh với cụm pháo 105 ly đặt trên hòn của địch, góp phần đánh bại âm mưu bình định của địch và giải phóng hoàn toàn hòn Đá Bạc.
 
      Hòn Đá Bạc còn là nơi diễn ra chuyên án CM12 kéo dài 4 năm (1981- 1984) của lực lượng vũ trang tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau) đánh bại cuộc nhập biên phá hoại của bọn lưu vong nước ngoài cấu kết với các thế lực thù địch trong nước do tên Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.
 
Bản sao Bằng xếp hạng di tích quốc gia in trên tảng đá
 
      Trên hòn Đá Bạc hiện có Bia kỷ niệm chiến tích của quân và dân Khánh Bình Tây anh hùng; bia và cụm tượng đài chiến thắng "Kế hoạch CM12" lưu dấu những chiến thắng của quân và dân ta, của ngành An ninh nhân dân. Năm 2009, hòn Đá Bạc được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp quốc gia. Du khách hãy một lần đến hòn Đá Bạc, nghe sóng biển rì rào kể chuyện để thêm yêu vùng đất Cà Mau nơi cuối trời Tổ quốc. 

Nguồn tin: http://www.baohaiquan.vn/