Từ xa xưa, loài cá voi đã xuất hiện trong nhiều truyền thuyết và những câu chuyện của người dân đi biển. Trong những câu chuyện đó, cá voi thường xuất hiện giúp đỡ ngư dân khi họ gặp nạn trên biển, nên người đi biển ai cũng biết ơn và tôn thờ cá voi. Họ kính trọng gọi cá voi là "Ông".
Tương truyền rằng, khi vua Gia Long xuống thuyền chạy trốn sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn, khi thuyền ra biển thì liên tục gặp sóng gió lớn khiến thuyền không thể di chuyển được, lúc này có 2 con cá voi nổi lên kè 2 bên mạn thuyền dìu thuyền trở lại đất liền. Để ghi nhận công lao to lớn đó, vua Gia Long đã phong cho 2 cá voi là Nam Hải Đại Tướng Quân.
Riêng tại Sông Đốc, vào năm 1925, sau khi hay tin cá Ông luỵ ở Vàm Xáng, ông Trần Hữu Định cùng ngư dân ở vùng Sông Đốc đã họp bàn cất miếu và thỉnh cốt Ông về thờ, sau đó các cụ mới tìm địa thế thuận lợi để xây lăng theo kiểu đình, miếu cổ xưa. Đến năm 1930, dân làng đã dời lăng ra gần cửa sông Ông Đốc. Cho đến năm 1949 thì lăng bị giặc Pháp bắn phá. Trong thời chống Mỹ, bà con sông Đốc vẫn một lòng thờ phụng và quyết định dời lăng từ vàm sông Đốc về toạ lạc tại vị trí hiện nay ở khóm I, thị trấn sông Đốc, huyện Trần Văn Thời - Cà Mau.
Suốt hơn nửa thế kỷ qua, hằng năm cứ đến ngày 14, 15 và 16 tháng Hai (âm lịch), ban Quản trị Lăng đều long trọng tổ chức Lễ hội Nghinh Ông để cho dân làng đến cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà và cầu cho tôm cá đầy ghe đầy tàu, vụ mùa bội thu.
Trong ngày lễ chính (ngày 15/02 âm lịch), chủ lễ cùng ban trị sự lăng trang trọng thỉnh lư hương lên kiệu (long đình), được 8 học trò lễ khiêng và theo hầu lên tàu cái chạy ra biển, tháp tùng tàu cái là 2 tàu con và vô số các tàu thuyền của ngư dân. Trên đường diễu hành nếu gặp cá Ông phun nước thì đoàn tàu quay trở về ngay, ngược lại thì đoàn tàu tiếp tục ra khơi. Sau đó chủ lễ vái và đọc lời nguyện cầu. Thường thì cách đất liền một đến hai hải lý, chủ lễ sẽ làm lễ “xin keo”. Xin được keo tức là gặp được “Ông” và rước “Ông” về. Tại lăng sẽ tiếp tục diễn ra các nghi lễ cúng bái đến tận khuya.
Nhân dịp này, ban tổ chức lễ hội phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức các trò chơi dân gian như: nhảy bao, kéo co, múa hát, ... cho người dân và khách du lịch tham gia, để lễ hội càng thêm vui tươi và náo nhiệt.
Chúng tôi - những người con của quê hương Cà Mau, cũng xin gởi lời cầu chúc cho bà con ngư dân Sông Đốc nói riêng và tất cả bà con ngư dân nói chung có một mùa đánh bắt thắng lợi, thuận buồm, xuôi gió.
Bài: Huỳnh Thanh Dư
Ảnh: Quốc Khởi
(Trong bài viết có sử dụng tư liệu của một số đồng nghiệp)