Đầm Thị Tường gắn liền với một truyền thuyết kỳ lạ: Xưa kia, bà Tường là một trong những người đầu tiên đi mở đất ở Cà Mau, đã kiên cường, dũng cảm đứng ra xua đuổi bầy chim do Chúa Hổ sai lấy đá lấp biển vì giận vua Thủy Tề đã từ chối sính lễ cầu hôn lấy công chúa của Chúa Hổ. Những khoảng trống do bà Tường canh giữ vẫn còn nguyên vẹn không bị đá che lấp, để cá tôm sinh sản nuôi sống con người. Cảm động trước công đức của bà, người dân đã lấy tên bà đặt tên cho đầm tức là Đầm Thị Tường ngày nay.
Đầm Thị Tường nằm giữa lòng đồng bằng bao la, bốn bể là dừa nước xanh rờn. Đầm được hình thành bởi ba đầm chính: đầm trong, đầm giữa và đầm ngoài. Trong đó, đầm giữa là lớn nhất. Đầm trải rộng gần 2km và dài tới hơn 10km, diện tích mặt nước khoảng 700ha. Trên Đầm có nhiều dãy nhà sàn lớn nhỏ nằm rải rác, mỗi nhà cách nhau khoảng 100m. Khoảng cách đó chính là ranh giới của mỗi hộ làm nghề khai thác thủy sản ở đây. Mỗi xóm nhà như một khu làng nhỏ nằm phơi trên mặt nước mênh mông với nò, đó, chài lưới... Đầm Thị Tường chứa đựng những tài nguyên vô cùng quý giá và to lớn về hệ sinh thái biển.
Đến Đầm Thị Tường - một trong những đầm nước tự nhiên lớn nhất khu vực ĐBSCL, ta như lạc vào Phá Tam Giang xứ Huế. Buổi sáng, đầm yên ắng trong làn nước trong vắt, cảnh vật huyền ảo bởi những áng mây hồng. Dưới mặt đầm ông mặt trời đỏ rực từ từ nhô lên khỏi mặt nước, tạo nên những vệt sáng loáng. Phong cảnh đầm như bức tranh quê biển hữu tình, sống động bởi tiếng chim muông gọi bầy chào đón bình minh; du khách sẽ cảm nhận được sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên rộng lớn, ngắm nhìn cảnh đẹp của quê hương đất nước, thưởng thức những món ăn đặc sản do người dân nơi đây chế biến rất hấp dẫn và nghe họ kể chuyện cuộc sống sinh hoạt ở trên đầm.