Điều đầu tiên ấn tượng với thực khách khi nhìn thấy tô bánh canh là sự hài hoà tuyệt đẹp giữa màu đỏ au của gạch cua với nền bánh trắng, điểm xuyến bên trên có màu xanh của hành và lấm tấm màu tiêu.
Sợi bánh canh ở đây được làm thủ công từ bột gạo. Bột gạo nhào xong chúng ta vo tròn thành những cục bằng nắm tay, sau đó cán bột mỏng ra, dát quanh cái chai thủy tinh rồi dùng dao bén để xắt thành những sợi nhỏ từng miếng bột thật đều, không quá dày cũng không quá mỏng. Công đoạn tiếp theo của việc làm bột là phải se những cọng bánh tròn lại, để những sợi bánh không dính vào nhau thì chúng ta sẽ phủ lên nó một ít bột năng.Có người trụng bánh qua một lần rồi bỏ nước nhưng làm như vậy khi nấu bánh không sệt lại sẽ không ngon.
Đã nói đến bánh canh cua thì chắc hẳn nguyên liệu của chúng ta không thể thiếu những con cua đầy gạch, chắc thịt của xứ Cà Mau. Phi thơm tỏi hành cho thịt và gạch cua vào xào, nêm hạt nêm, đường, nước mắm. Gạch cua sẽ tạo cho món bánh canh có thêm màu vàng, trông rất hấp dẫn.
Ở miền Tây hầu hết các món ăn đều có nước cốt dừa. Vị beo béo đặc trưng của nước cốt dừa làm tăng vị ngon của món ăn. Dừa khô sau khi nạo nhồi với nước ấm, vắt lấy 1 ít nước cốt để riêng sau đó cho nước vào vắt thêm vài nước dão vào xoang để nấu làm nước dùng. Bắt nồi nước dão lên nấu sôi rồi cho những sợi bánh canh vào, khi sợi bột đã chín mềm thì cho cua vào rồi nêm nếm. Vị ngọt của thịt cua làm cho món bánh canh ngon và thơm hơn bao giờ hết. Ngoài ra, có nhiều người còn kết hợp thêm tôm hay thịt vào để tạo nên mùi vị khác lạ hơn.
Múc bánh canh ra tô, chan thêm ít nước cốt dừa, rắc thêm ít tiêu xay, hành lá xắt nhuyễn lên mặt.Tô canh nóng bốc khói vừa ngọt, vừa béo chẳng những ngon miệng mà còn bổ dưỡng. Hãy đến với Cà Mau để thưởng thức những tô bánh canh nóng hổi, vừa thơm mùi nước cốt dừa, vừa ấm vị tiêu lại vừa nhiều màu sắc. Thật là ấm áp!
Hạ Băng.