Tôi lớn lên từ mảnh đất thân yêu
Đầm Dơi trong tôi mang dáng hình xứ sở.
Thời gian gần đây, có dịp về Đầm Dơi du khách thấy những thay đổi lớn nơi đây. Những con đường rộng mở với hàng cây xanh che bóng mát, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao, nét văn hóa, tín ngưỡng cũng đa dạng và nổi bật.
Nằm ở ngã ba sông Đầm Dơi là tượng đài Dương Thị Cẩm Vân - Người nữ anh hùng đã đi vào huyền thoại. Kế đó là công viên với diện tích rộng thoáng mát với dãy ghế đá dọc bờ sông cho du khách dừng chân và ngắm nhìn Đầm Dơi say đắm lòng người.
Đầm Dơi nay đã đổi mới nhưng không vì vậy mà mất đi cái chân chất, mộc mạc của người dân miền sông nước. Ở đâu đó nơi đây, chúng ta vẫn luôn bắt gặp những hình ảnh yên bình của một miền quê. Đến với Đầm Dơi, khách thập phương sẽ không quên được lòng mến khách của họ và những đặc sản dân dã nơi này.
Buổi sáng, bạn nên thức dậy thật sớm để hít thở không khí trong lành với tiếng chim hót líu lo. Sau đó, chúng ta sẽ bắt đầu hành trình cho ngày mới, chuẩn bị dụng cụ để ra vuông tôm đi đục hàu, bắt cá,... Nghĩ đến món cháo hàu nóng hổi, ngọt lịm sắp được ăn thôi là đã thấy thèm rồi.
Buổi tối, bạn có thể đi bắt ba khía những người thích ăn nói rằng thịt ba khía ngon cũng không thua kém thịt cua biển tí nào, hay bạn có thể canh giờ để chờ đến lúc sổ vuông tôm. Một tháng chỉ có hai lần sổ vuông thôi nhé: vào nước rằm và nước 30 tức là khoảng ngày 14-18 và 29-04 âm lịch, nếu có về Đầm Dơi thì bạn nên thu xếp chọn những ngày này để tha hồ mà thưởng thức cua tôm.
Vốn được mệnh danh là miền quê “cá bạc, tôm vàng” nên hầu như loại nào cũng là đặc sản nổi tiếng: cá nâu, cá kèo, cá chẽm, cá đối, cá ngát, tôm, cua, ghẹ, sò huyết, hàu, vọp, …
Đầm Dơi! Tiếng gọi thân thương, nơi đã gieo vào lòng người dân nơi đây bao yêu mến, tự hào. Nếu có dịp, mời các bạn đến Cà Mau và đừng quên ghé Đầm Dơi quê tôi thưởng thức nhưng món ăn mà nguyên liệu từ chính tay bắt được. Hãy trải nghiệm để thấy cuộc sống quanh ta đầy thú vị và để thêm yêu Đầm Dơi quê tôi.
Hạ Băng.