Nơi đây, tấm lòng chân thành, phóng khoán của người xứ Mũi với những ghe lưới đầy ắp cá tôm… cũng khiến du khách nấn ná, không muốn dời chân. 

Thiêng liêng Đất Mũi…
 
      Một trải nghiệm cực kỳ ấn tượng và thú vị đối với du khách khi đến thăm là được lướt ca nô vi vu trên những con sóng với vận tốc trung bình 40- 60km/h để tận hưởng cảm giác bồng bềnh, thích thú. Rời những phố chợ chạy dài trên hai bờ sông Gành Hào, ca nô lướt như gió trên kênh xáng Hòa Trung. Tàu ra giữa dòng, hai bên bờ sông là những rừng bần, rừng đước lộ nhánh rễ như những bàn tay cố nắm giữ đất cho con người. Ca nô cứ thỏa sức nô đùa cùng những con sóng, đưa du khách đi qua những địa danh mà mỗi cái tên gắn liền với những chuyện kể lịch sử đầy hấp dẫn: Hòa Trung, Bà Đập, Chà Là, Bà Hính, Cái Keo, Kinh Tắc, Năm Căn…
 
      Điểm đầu tiên đặt chân đến là Vườn quốc gia Mũi Cà Mau còn đậm nét hoang sơ, bức tranh hài hòa của rừng bạt ngàn, biển bao la tuyệt vời do thiên nhiên kiến tạo. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và đang hình thành khu công viên văn hóa – du lịch Mũi Cà Mau để phục vụ du khách. Đây là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách cả nước và bạn bè quốc tế với niềm ao ước đến thăm cột mốc tọa độ quốc gia GPS-0001, ngắm rừng, ngắm biển, tham quan khu mô phỏng làng rừng kháng chiến và lưu lại những tấm ảnh kỷ niệm dưới chân biểu tượng Mũi Cà Mau. Du khách còn được chinh phục  Vọng Lâm đài cao hơn 20m, từ đây ngắm toàn cảnh điểm giáp nhau giữa biển Đông và biển Tây.
 

 
      Mỗi đoàn khách đến đây mang về một nỗi nhớ da diết. Xúc động và quá đỗi tự hào khi thắp nén hương nơi cuối trời Tổ quốc, nhiều vị không giấu nổi nước mắt khi lần đầu đặt chân đến vùng đất thiêng liêng này. Đất Mũi mỗi năm lấn biển từ 80- 100m. Mảnh đất nhô ra biển như một vùng đất thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam, xa xôi mà gần gũi.
 
      Để hiểu thêm về cuộc sống của người dân xóm Mũi, bạn hãy men theo con đường dưới chân Vọng Lâm đài đến tìm hiểu đời sống hằng ngày của họ với những công việc bình dị: đánh bắt thủy sản, sản xuất các sản phẩm phục vụ du khách. Nếu muốn chinh phục biển, có thể liên hệ với chủ thuyền đánh một vòng bằng ghe biển để được ngắm những miệng lưới phơi mình trước gió sau một đêm thu hoạch cá kèo bột, để được nghe tiếng máy thuyền xen lẫn những câu chuyện kể về nghề đi biển, đánh bắt cá ngoài khơi. Hay du khách có thể đến thăm, tham gia các loại hình du lịch cộng đồng tại nhà dân như: câu cá, câu cua, xổ vuông, mò sò, chài cá…và dùng bữa trưa tại đây với những món ngon dân dã, lạ miệng như: ốc len xào dừa, cá thòi lòi nấu mẻ, cá nâu nướng muối ớt, vọp nướng…
 

 
      Và bạn cũng đừng quên ghé thăm bến Vàm Lũng – điểm cuối cùng của “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”. Theo lời kể, ngày 16/10/1962, con tàu Phương Đông 1 do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm chính trị viên đã vào bến Vàm Lũng an toàn, mở thông tuyến đường vận tải quân sự trên biển Đông.
 
      Tượng đài chiến thắng Bến Vàm Lũng được xây dựng và khánh thành ngày 19/5/2009 tại ấp Kiến Vàng, thị trấn Rạch Gốc để ghi nhớ chiến công thầm lặng của các chiến sĩ đoàn tàu không số năm xưa và ngày nay đã trở thành “địa chỉ đỏ” của bao thế hệ tìm về ôn lại lịch sử vẻ vang. Ngày 10/11/2010, Bộ VH, TT&DL đã công nhận Bến Vàm Lũng là di tích lịch sử cấp quốc gia.
…và câu chuyện về những “ngôi nhà không cửa”
 
      Ở chót Mũi Cà Mau có một “xóm nhà không cửa” (thuộc ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), nơi duy nhất trên đất nước hình chữ S còn lưu giữ được nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng sông nước miền Tây.
 
      Do quá trình đô thị hóa, những ngôi nhà xây khang trang ngày càng mọc lên nhiều hơn, tuy vậy, người dân ở xóm Mũi phần đông vẫn cứ khư khư giữ kiểu nhà sàn gỗ được lợp lá dừa nước. Mặc dù cuộc sống đã sung túc, nhà sắm sửa tivi, đầu đĩa, người chơi sang “tậu” mấy chiếc xe máy, nhưng duy nhất một thứ chẳng bao giờ nghĩ tới là sắm cho mình cái cửa nhà, có chăng là sắm tấm bạt che chắn mưa tạt, gió lùa, đợi khi trời yên gió lặng lại tất tả cuốn hết lên. Vậy mà hay! Không cửa vừa thoáng mát, vừa tiện sinh hoạt như chính tính cách cởi mở, chân thành, phóng khoáng của bà con mình. 
 

 
      Khách đến thăm, vừa đến đầu ngõ, đã thấy nhà không cửa nối tiếp nhau, tựa lưng vào rừng, quay mặt ra sông rạch, cái mùi cá tôm phơi khô mặn nồng cứ phản phất như thể “khiêu khích” tâm thái tò mò, lạ lẫm đến tự vấn: “Vì sao cất nhà mà không sắm thêm cái cửa cho trang hoàng hơn? Vì sao cái vị biển ấy mới nghe qua khó chịu nhưng rời chân lại thấy nung nhớ?...”
 
      Bà con trong xóm gắn bó mấy đời, bám rừng, bám biển, “rặt ri” nguyên bản sắc, nét đẹp yên ả, thanh bình. Bởi họ nghĩ, nhà không cửa tiện lợi, có đám tiệc hữu sự dễ đãi khách, gió thổi lồng lộng, mang theo hơi nồng của biển phù sa, mát rượi. Dân xứ Mũi thích cất nhà vậy, cứ giữ thói quen, cột xuồng là bước thẳng lên nhà, chẳng ngó tới vì chả ai thèm lấy. Chốn bình an là vậy! Dân đoàn kết, sống chan hòa, cái tình cái nghĩa quý hơn cả vật chất.
 

 
      Đến nay, diện mạo xóm Mũi đổi mới chẳng thua thị thành, nhưng không thích gò bó, của cải có gì lồ lộ ra đó, trưng cả giàn nồi, niêu, xoong chảo, rổ ra tinh tươm hết trên vách. Đẹp là ở đó, đẹp ở cái nét văn hóa ăn ở của dân xứ biển. Phụ nữ đảm đang, ngăn nắp, luôn là điểm tựa vững vàng để đàn ông an tâm đi biển “rinh” đầy ắp cá tôm về. 

Nguồn tin: Tạp chí Vietravel